Thực ra mình đã nghe tới bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khá lâu rồi, ấn tượng với với những cuốn sách với tựa đề như “Gió heo may đã về” (câu hát mà thi thoảng mình hay hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Giữa hoàng hôn xưa”, có lần mình ghé thăm trang nhà của bác ấy để đọc cảm nhận về cuốn sách “Sợi Tơ Nhện” của tác giả Cao Huy Thuần. Tức là đây lần đầu tiên mình gặp bác sĩ Đồ Hồng Ngọc ngoài đời. Bác sĩ có vẻ ngoài hơi già so với tưởng tượng của mình, nhưng tâm hồn còn rất tươi trẻ, chắc hẳn rồi, như câu nói chị Cát Tường nhắc tới “Qua bảy mươi tuổi thì trẻ mãi mãi”.
Buổi nói chuyện với chủ đề “Con đường khởi nghiệp của giới trẻ”, thoạt đầu mọi người sẽ liên tưởng tới một cuộc trò chuyện về startup hoặc kinh doanh, nhưng nội dung mà bác sĩ muốn hướng tới và việc lựa chọn một nghề nghiệp, một con đường hay hướng đi trong cuộc đời này, bạn có thể trở thành một giáo viên, một kỹ sư, một anh công nhân hay một bác sĩ như bác sĩ Ngọc. Chọn nghề, khởi nghiệp rất quan trọng nhất và việc yêu nghề và có tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã chọn thì lại càng quan trọng hơn bội phần, có như vậy thì mới gắn bó dài lâu với nghề mình đã chọn được. Mình ấn tượng với bốn chữ mà bác sĩ gửi gắm cho giới trẻ, đó là phải có “Tâm, Tầm, Tấm và Tẩm“.
* Tâm: lòng thương yêu mọi người, mong muốn làm việc để giúp đỡ những người khác bớt khó khăn và vất vả hơn. Bác sĩ còn kể lại một câu chuyện thú vị về Tâm. Ngày xưa, khi Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Quốc hoằng pháp và đang ngồi thiền ở một hang động tại chùa Thiếu Lâm, anh chàng Huệ Khả tìm tới cầu đạo và mong được ngài an tâm cho mình, bởi những ám ảnh của chàng về quá khứ binh đao.
Bồ Đề Đạt Ma đã hỏi chàng rằng: “Tâm của con ở đâu, đưa ra đây ta an cho.”
Chàng tiếp: “Con không tìm ra cái Tâm bất an của mình.”
Bồ Đề Đạt Ma nói rằng: “Ta đã an Tâm cho con rồi đó.”
Chàng chợt tỉnh ngộ bởi Tâm không nên vướng mắc vào bất kỳ điều gì, phải tự dựa vào chính mình, như vậy mới có thể giải thoát và chứng ngộ, chàng nhận Bồ Đề Đạt Ma là sư phụ và sau này trở thành ông tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc.
* Tầm: tức là người đó phải có kiến thức sâu rộng về chuyên môn của mình, có tài năng để có thể ứng biến và có giải pháp cho những khó khăn, những vấn đề mình gặp phải trong công việc và cuộc sống.
* Tấm: là có mạng lưới kết nối, những người có chung chí hướng, những người để mình có thể tham khảo và cả những người mình có thể giúp đỡ được họ nữa. Bởi bản chất con người không thể sống một mình được, mà phải sống với, sống cùng để tương hỗ lẫn nhau.
* Tẩm: mỗi người luôn cần học tập, trau dồi kiến thức của mình, vì những thứ mình biết sẽ nhanh chóng lạc hậu, không thể áp dụng được trong cuộc sống luôn luôn biến đổi. Việc tự học lại càng quan trọng hơn nhiều trong thời đại hiện nay. Khi kiến thức được tích luỹ nhiều hơn, bãn ngã của mỗi người sẽ trở nên nhỏ lại, và càng biết khiêm tốn hơn.
Điều cuối cùng, đọng lại trong mình là bài học về cách cư xử với mọi người, cần xuất phát từ tấm lòng và phù hợp với từng người và với thực tế nữa, như vậy mới có thể hoá giải được mọi khó khăn giữa con người, yêu thương để đi cùng nhau qua cuộc đời này một cách an bình nhất.
Qua buổi gặp gỡ, mình có quen được chị Cát Tường, người đã chờ tới 18 năm để gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ trang sách mà chị đọc lúc 18 tuổi, cũng là quản lý của Quỹ học bổng Vietseeds đang giúp đỡ hơn 200 bạn sinh viên khó khăn.
Có những con người sống như thế, cứ âm thầm, lặng lẽ toả hương cho cuộc đời này thêm đẹp tươi.