1. Bản dịch “Bắt trẻ đồng xanh” của Phùng Khánh quả là một dịch phẩm rất “bảnh” và nhắng “bỏ mẹ”. Bản dịch của Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh không nhắng bằng. Cách hành văn của Salinger với phần chuyển ngữ của Phùng Khánh tạo nên một văn bản có nhịp điệu như những bước đi lang thang của một cậu du côn thiếu niên Mỹ trên những khu phố u ám, mũ lưỡi trai đội ngược, tay đút túi quần, chân đá vu vơ và tai thì nghe những bài nhạc rap theo phong cách Enimem.
Hồi Tết thiếu nhi 2008 tôi có mua “Bắt trẻ đồng xanh” gửi tặng một bạn ở Hà Nội mà chưa kịp đọc. Năm ngoái tôi mua một cuốn nữa rồi xếp trên giá, tới hôm qua mới giở ra đọc. Thật đúng là rượu ngon để càng lâu uống càng đã. Đợt này tôi uống mấy chai rượu ngon như vậy.
2. Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh là thế danh của ni sư Trí Hải. Nếu biết trước điều này thì chắc là cũng sẽ có người ngạc nhiên như tôi khi đọc bản dịch “Bắt trẻ đồng xanh” của bà, phóng khoáng (thậm chí có chỗ đạt tới mức phóng túng) và rất bụi đời. Câu chửi thề với “bỏ mẹ” ở cuối là một trong những dạng câu mà tôi cảm thấy rất khoái chí khi đọc Phùng Khánh dịch “Bắt trẻ đồng xanh”. “các thứ” là từ có số lần xuất hiện cao nhất còn “cho chó ăn chè” (nôn mửa) và “đĩ ngựa” là những cụm từ dân giã Nam Bộ đắt giá mà Phùng Khánh đã sử dụng trong bản dịch. Ở cuối bản dịch có ghi là “Dịch tại Chicago, mùa Giáng sinh 64”. Tra tiểu sử của bà thì tôi thấy có dòng “Năm 1964 Ni trưởng quyết dứt trần duyên, cắt tóc xanh, xuất gia y chỉ Ni trưởng thượng Diệu hạ Không tại chùa Hồng Ân. Huế và đã được thọ giới Sa-di Ni”. Có lẽ bản dịch “Bắt trẻ đồng xanh” là cú chót, cú để đời của Phùng Khánh trước khi về nước và xuất gia.
Wikipedia cho biết “Trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1982, tiểu thuyết này là tác phẩm bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều nhất trong hệ thống các trường trung học và thư viện của Hoa Kỳ”. Không rõ Phùng Khánh dùng bản tiếng Anh bị cắt bỏ tới mức nào để dịch “Bắt trẻ đồng xanh” vào năm 1964. Cũng không rõ bản dịch phát hành năm 2008 chỉnh sửa những chỗ nào so với bản dịch năm 1964, và ai là người làm việc đó, bởi vì ni sư Trí Hải mất từ năm 2003. Bản dịch năm 1964 rất khó kiếm nên tôi chưa có cơ hội đối chiếu, nhưng tôi chắc chắn là có người khác Phùng Khánh tham gia vào bản dịch năm 2008 bởi sự xuất hiện của những từ tân thời như “bít” (biết), “chiện” (chuyện). Người khác đó rất có thể là một biên tập viên người Bắc, bởi vì tôi thấy có một chỗ sử dụng “ấy”và “tớ” trong câu xưng hô. Giá mà có thêm phần lời giới thiệu của nhà xuất bản thì cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn. Nhưng dù sao thì “Bắt trẻ đồng xanh” cũng là một bản dịch phóng khoáng và thú vị nhất mà tôi từng được đọc.
3. Nhân vật mà tôi thích nhất trong “Bắt trẻ đồng xanh” là cô bé Phoebe, em gái của nhân vật “tôi” – Holden Caufield. Chỉ nghe Holden kể về em thôi mà tôi cũng đã thấy em dễ thương chịu không nổi rồi. Phùng Khánh hay dùng “em Phoebe” thay cho “Phoebe” trong lời kể của nhân vật “tôi” về em gái. Tôi rất thích gọi tên theo kiểu này, vai vế trong gia đình cộng tên riêng, nghe tình cảm và tự nhiên, nhưng chỉ tình cảm và tự nhiên khi những người thân thuộc gọi nhau như vậy thôi còn nếu không thì lại nghe lại ra kiểu cách và khách sáo. Đến mấy chương cuối khi Phoebe xuất hiện và nói chuyện với anh trai thì “tôi đến chết được”, nhất là cái đoạn em trốn gia đình, lũi cũi vác vali “xin anh” cho em theo về miền Tây sinh sống. Holden sau đó nhìn cô em gái bé nhỏ trong áo choàng xanh, ngồi trên ngựa gỗ xoay vòng vòng mà suýt khóc và quyết định không bỏ nhà đi bụi nữa. Có thể nói Phoebe từ đầu cho tới cuối câu chuyện, gián tiếp hoặc trực tiếp, chính là cái phần thánh thiện và là vị thiên thần nhỏ đã giữ anh trai cô bé dừng lại, không bước chân qua những cánh cửa của sự nổi loạn vào vùng tăm tối.
Tôi còn nhớ năm kia, khi ấy tôi vừa mới ốm dậy và đó là buổi sáng đầu tiên học sinh trở lại trường học sau dịp nghỉ Tết, nhìn vẻ mặt dễ thương và nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ ngồi trên xe để cha mẹ đưa tới trường, tôi cũng suýt khóc như khi Holden nhìn em Phoebe chơi đùa. Có cái gì đó xúc động và thật hạnh phúc. Trẻ em đôi khi mang tới những điều kỳ diệu không thể đánh đổi cho bất cứ thứ gì. Vì vậy người lớn có trách nhiệm phải bảo vệ các em, chính xác hơn là bảo vệ, làm trong sạch cái không gian mà trong đó sự ngây thơ, trong trẻo của các em có thể tồn tại và phát triển. Đây cũng chính là điều độc nhất mà Holden muốn làm với cuộc đời mình như lời tâm sự của cậu với em gái. Holden muốn đứng trên một mỏm đá, phía dưới là cánh đồng lúa mạch với hàng nghìn đứa trẻ con đang vui chơi, và khi có đứa nào lại gần mỏm đá mà không biết là đang tới gần nguy hiểm thì cậu bắt lấy đứa trẻ đấy. Tựa đề tuyệt hay mà Phùng Khánh đã dịch, “Bắt trẻ đồng xanh” có nghĩa là như vậy.
(Nguồn bài viết: Kazenka’s Blog)